NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ

Theo sách Khởi-nguyên, kể từ đây thế giới có lẽ mới được trở thành là thế giới loài người. Chúa tiếp tục tạo ra các đối vật cho con người, và Kinh Thánh khoác cho hành vi đó một bức tranh tuyệt mĩ. Kinh Thánh viết: „Nhưng con người không tìm thấy sự hỗ trợ trong đối vật“. Chúa liền để cho con người ngủ say, rút một xương sườn ra và lấy thịt lấp chỗ đó lại. Thiên Chúa dùng xương sườn này làm thành một người nữ và đưa tới cho Adam. Và con người thốt lên: „Đây mới thật xương của xương tôi, thịt từ thịt tôi“. Kinh Thánh tiếp, từ đó người nam bỏ cha mẹ và hợp với vợ mình để thành một xương thịt.

Adam, theo ngữ nghĩa là „người”, gọi vợ mình là Eva. Eva có nghĩa là sự sống, và như thế Eva là mẹ của mọi loài sinh vật. Có lẽ cho tới ngày nay, các ông vẫn còn cảm thấy mất mát về vụ tặng xương đó, hình như trong chuyện này ẩn chứa một bí mật lớn nào đó ?

Đây cũng là một trong những hình ảnh nguyên mẫu mà Kinh Thánh đã tặng cho ta, để nhờ đó ta hiểu được những điều khó hiểu. Trước hết, ở đây nhấn mạnh tới sự bình đẳng giữa nam và nữ. Cả hai là một bản chất và cùng có một phẩm giá. Dù sao, ở đây, sự bình đẳng phẩm giá đã được trình bày một cách thật tài tình. Điểm thứ hai là sự tương thuộc lẫn nhau. Điều này thể hiện qua vết thương hiện hữu trong mỗi chúng ta và nó dẫn ta đi tới với người khác.

Hình ảnh, mà ta gặp trong Kinh Thánh ở đây, đã xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trải dài trong toàn bộ lịch sử tôn giáo. Cả Platon* cũng đã kể về huyền thoại con người cắt đôi và mỗi nửa trở thành người nam và người nữ. Nhìn như thế, thì mỗi người chỉ là một nửa, và nửa này luôn trên đường đi tìm nửa kia của nó. Dịch chữ „xương sườn“ không chắc lắm. Có lẽ ở đây cũng là hình ảnh tương tự như trên, trong đó con người tự phân đôi và nửa này được tạo thành cho nửa kia. Người nam cho người nữ, người nữ cho người nam. Họ tìm kiếm nhau, để gặp lại cái toàn thể của họ.

Và nếu làm khác đi thì không có cái toàn thể đó?

Con người được tạo ra trong nhu cầu cần tới người khác, để nó vượt qua được chính mình. Nó cần sự bổ túc. Nó không được tạo ra để sống đơn độc, điều này không tốt cho nó, mà để sống vì nhau. Nó phải tìm và gặp nó trong người khác.Sau đoạn sách Khởi-nguyên đó, ta cũng thấy tiếp câu tiên tri: vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ để cùng với vợ mình kết thành một thân xác. Họ trở thành một thân xác với nhau, cùng nhau thành một con người. Toàn bộ bi kịch về nhu cầu của phái tính, về sự cần nhau, về tình yêu đều nằm trong đó. Ngoài ra, trong đó cũng nói tới việc hai người trao thân cho nhau, để chính từ việc trao thân này phát sinh một sự sống mới, và cả hai rốt cuộc hiến mình cho sự sống mới đó. Như thế, ở đây, bí ẩn hôn nhân cũng đã được nói tới, và cả chuyện gia đình cũng đã được nhắm tới.

Lắm lúc người ta có thể nghĩ rằng, đàn bà là tạo vật thành công và tốt hơn đàn ông, vì họ được tạo dựng sau. Họ xem ra không những đẹp hơn, mà cả phát triển hơn.

Tôi không muốn mở ra đề tài tranh luận này. Không chối cãi là đàn bà có nhiều khả năng đặc biệt, và trong một khía cạnh nào đó, giỏi chịu đựng và dai sức hơn. Và với khả năng yêu đặc biệt trời cho, họ có thể mang trong mình một con người mới và trao đi chính mình, máu thịt mình cho con người mới đó, tất cả những thứ đó làm cho người đàn bà có được sự tôn vinh và nét cao cả riêng. Còn những thứ khác, chúng ta nam hay nữ nên trao lại cho Chúa, và cả hai nên cố gắng cùng nhau sống sao cho đời mình được tốt đẹp.

Trên thực tế, có lẽ cả nam lẫn nữ không phải là hai bản chất hoàn toàn khác nhau?

Đúng, nhưng chúng ta cứ muốn chống lại điều đó. Cả hai đều là một con người. Và vì thân xác không chỉ là một phụ phẩm bên ngoài thêm vào cho con người, nên sự khác biệt thân xác dĩ nhiên là một khác biệt xuyên suốt toàn thể con người, và có thể nói, nó biểu hiện cho hai cách thế làm người. Tôi nghĩ, ta phải chống lại những thuyết sai trái về quan niệm bình đẳng cũng như về khác biệt.

Sai, nếu ta chủ trương đánh đồng nam nữ, rồi bảo rằng mấy cái khác biệt thể lí lẻ tẻ đó chẳng ăn nhập gì. Đây là khuynh hướng ngày nay đang chiếm thế thượng phong. Cá nhân tôi vẫn chưa hết rùng mình trước cảnh người ta muốn gọi nữ giới nhập ngũ. Đúng ra, họ là người canh giữ hoà bình, và chúng ta muốn thấy họ là lực lượng đối địch lại với tính ham gây gỗ và thích chiến tranh của nam giới. Vậy mà giờ đây họ lại ôm súng lang thang đây đó, cho thấy mình cũng có khả năng đánh nhau không thua gì nam giới. Cũng như cảnh phụ nữ có “quyền” làm phu đổ rác và làm thợ mỏ. Tất cả những gì lẽ ra người ta không nên làm cho họ, vì kính trọng nét cao cả, kính trọng sự khác biệt lớn lao và phẩm giá của họ, thì giờ đây người ta lại làm vì nhân danh bình đẳng. Theo tôi, đó là cái nhìn của chủ nghĩa ma-ni-kê, một chủ nghĩa chống lại thân xác.

Nhưng đó nhất định không phải là một khám phá của thời đại chúng ta.

Platon bảo, người ta nên đẩy cả nam lẫn nữ vào trại lính, cả hai nên làm công việc như nhau, vì cơ thể chẳng có gì quan trọng. Con người chỉ quan trọng nơi trí tuệ, và khi có con cái, nên đưa chúng vào vườn trẻ của nhà nước. Trên căn bản, ý hệbình đẳng này là một chủ trương duy linh, một thứ khinh miệt thân xác, ý hệđó không muốn công nhận chính thân xác cũng là con người. Vì thế, theo tôi, loại bình đẳng đó không nâng cao nữ giới, nhưng lấy đi nét cao cả nơi họ. Nó kéo họ xuống hạng tầm thường, khi muốn họ trở thành nam giới.

Mặt khác, cũng có một ý hệgiả tạo về khác biệt. Nó thường nhìn phái nữ như là hạng người thấp kém, chỉ có nấu nướng và quét dọn, trong khi đó các ông có quyền ăn nói, ra trận và tự coi mình ở vào một giai cấp cao hơn. Nó coi phái nữ chỉ là xác thịt, nhục dục, trí tuệ hẹp hòi, kém sáng tạo, và nhiều thứ khác nữa. Như thế, ý hệkhác biệt đã vươn lên thành chủ trương giai cấp mang tính tôn giáo. Nhận thức đó che lấp đi tính cách độc đáo của tạo dựng. Tạo dựng của Chúa thật đa dạng, nhưng vẫn mang tính thống nhất và bổ túc cho nhau.

Dù vậy, không ít khi các đôi vợ chồng thường chia tay bằng cuộc cãi cọ nhuốm màu phái tính.

Nam và nữ thuộc vào nhau. Họ có những năng khiếu cần được phát huy, để nhờ đó, đời người mới toả rộng chân trời và mới trưởng thành. Dĩ nhiên, ta biết cái khác biệt trong sự nhất thống đó có thể đưa tới căng thẳng và thử thách. Trong mỗi tình bạn cũng thế. Càng gần nhau, người ta cũng có thể bực bội nhau nhiều hơn.

Tình yêu là một đòi hỏi không cho phép tôi được yên thân nguyên vẹn một mình. Trong tình yêu, tôi không thể đơn giản vẫn là tôi, nhưng tôi luôn phải bỏ mình bằng cách bị gọt dũa, bị thương tích. Và tôi nghĩ, chính điều đó cũng là thành phần của tầm lớn và sức mạnh chữa trị của tình yêu, nó chấn thương tôi, để làm thức dậy những khả thể lớn hơn trong tôi. Vì thế, không được nghĩ rằng tình yêu chỉ có tính lãng mạn mà thôi, nghĩa là bầu trời đã ập xuống trên hai người khi họ hợp í nhau, và từ lúc đó trở đi, chỉ còn toàn là điều tốt mà thôi.

Phải coi tình yêu như đam mê. Chỉ khi ta sẵn sàng chịu đựng nó như đam mê, và luôn chấp nhận nhau một cách mới mẻ, thì cuộc tình duyên suốt đời mới có thể trưởng thành. Nếu không như thế, khi gặp khủng hoảng, ta sẽ tìm cách tránh né và rã nhau. Và như vậy, ta đánh mất cơ hội đích thực nằm sẵn trong sự kết hợp nam nữ, cũng là cơ hội nằm sẵn trong thực tại tình yêu.